Equalizer có cần hay không?

 Lời thú nhận: Bài viết này chỉ là sự cóp nhặt những gì nghe được, đọc được trên forum. Vì thế, đầu tiên em xin phép các vị tiền bối và những người bạn cho phép em được ghép nối, viết lại thành bài về chủ đề này. Bài này chỉ là phiếm luận, vì người viết cũng không biết gì về kỹ thuật, nên sai là chuyện thường, mong các anh bỏ quá cho. nhưng cũng mong nó sẽ bổ ích cho một ai đó hoặc không ai cả.

Thời vàng son

Nói về EQ, phải nói đến những hệ thống dàn thớt rời của những năm 80, khi đó một hệ thống thường không thể thiếu được EQ. Ớ đó dễ dàng nhận thấy những thanh “band” được chỉnh theo hình chữ V rất chuẩn mực, nhà nào cũng như nhà nào.

Đó là thời của những củ loa màng giấy khô cứng theo thời gian, những loa tép lụa nhẹ nhàng được gắn với chiếc amply bóng đèn lung linh với những âm thanh trữ tình tỉ tê về đời chiến tranh. Khi đó EQ được đơn giản thường chỉ gồm nút chỉnh bass tép tùy theo ý thích của mỗi người, EQ tồn tại như để hỗ trợ bổ sung cho người nghe với những bộ loa khác nhau.

Chiến tranh như đã qua đi, và xu thế thưởng âm như có sự thay đổi, chuyển từ những bài hát buồn não nuột sang những âm thanh sôi động của thời đại công nghiệp, với những Model Talking, ABBA…kèm theo đó những amply bán dẫn với công suất lớn được ra đời, nó nhanh chóng lấn át dòng amply đèn yếu xìu, tỉ tê hàng ngày chán ngắt. Và các hãng loa như cũng chạy theo xu thế thời thượng đó, những đôi loa bass mạnh mẽ có màng carbon, nhưng chiếc loa tép kim loại phát triển nhanh chóng tạo đời những âm thanh mạnh mẽ chói chang phục vụ thị hiếu người nghe.

Đó là nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của EQ. Nhà nhà mua EQ. EQ đã giúp chúng ta tăng tiếng tép lên hết cỡ, tiếng bass mạnh mẽ rung lồng ngực. Không chỉ thế, chúng ta còn đua nhau mua những đôi loa tép còi gắn thêm cho tép được sắc nét, với những Pioneer PT-06, PT-07 đắt như tôm tươi, được gắn oai vệ trên những thùng loa Nhật bản.

Có thể nói EQ đã đáp ứng hoàn toàn nhu cầu thưởng thức âm nhạc, nhu cầu đối với những dòng nhạc thịnh hành Pop, Rock, Rock metal. Chưa hết, những đĩa CD Việt nam thu âm thời đó cũng mang dấu ấn của lịch sử với tiếng tép chói chang và tiếng bass nặng về công suất hơn độ sâu.

Sự lụi tàn

Công nghệ phát triển, người chơi audio đã già đi, họ chợt nhận ra việc nghe qua guitar điện, trống điện mãi rồi cũng đến lúc mệt, các âm thanh của lứa tuổi trung niên trở lại với acoustic, với những giọng hát nhẹ nhàng tinh tế. Sự phát triển của nghiên cứu về âm học khẳng định rằng: chất lượng âm thanh giảm sút khi qua các linh kiện điện tử, dù linh kiện điện tử đó có cao cấp đến đâu.Vậy thì EQ để làm gì, khi mà nó có quá nhiều linh kiện. Tại sao lại phải bỏ tiền ra mua 1 thứ mà làm giảm chất lượng âm thanh? Xu thế mới như ập đến, nhà nhà vứt cái EQ ra đường. EQ rớt giá thảm hại, nó như chỉ còn hữu dụng trong các phòng Karaoke, nơi mà cái âm thanh trung thực là cái không ai muốn nghe nhất.

Những cái ampli đèn lại được lên ngôi, nó được sản xuất với những linh kiện đắt tiền nhất, gấu nhất, và cũng tinh giản nhất. Những linh kiện được tử được đội giá lên trời, với những lý thuyết về linh kiện cao cấp. Tụ thì phải tụ cho audio, tụ nhựa tiếng chi tiết sáng, tụ dầu tiếng ấm áp, tụ gốm tiếng ấm, ồn thì vứt đi (nhưng trong con AR3a nổi tiếng hồi trước thì có 1 con tụ gốm to tổ chảng đấy mà vẫn ối người mê), rồi tụ hóa, rồi điện trở thì không trở dây cuốn, không trở gốm mà phải là trở Silicon…v.v…

Các linh kiện cao cấp lên ngôi như Blackgate, Elna Cerafine, Hovland, Music cap, Dale, Solen, rồi dây audio, dây bạc, dây vàng, v.v… trở thành niềm đam mê của những người tìm kiếm âm thanh. Và rồi nào mạch class A, AB…v.v… nhằm mục đích phối ghép các linh kiện đó sao cho hợp lý nhất đạt được hiệu quả nhất theo tai … một người.

Equalizer có cần hay không?

Những thú vui trên đã làm EQ trở nên quá lỗi thời. Thứ nhất, ta không đủ khả năng phối âm tốt như hãng nên tốt nhất là để nguyên xi những gì trên nguồn phát. Thứ hai2, mục tiêu của amply là kích âm lượng mà thôi vì vậy việc làm thế nào để amply càng ít ảnh hưởng đến âm thanh bao nhiêu thì càng hay.

Tuy nhiên, trong cái thời kỳ không EQ đó, thì EQ vẫn phải hiện hữu trong tất cả cái loa, đó chính là mạch phân tần thụ động. Dù rằng theo thời gian, mạch phân tần đấy cũng thay đổi, từ việc luôn đi cùng 1 biến trở đến bỏ hắn biến trở đó. Từ việc dùng các linh kiện rẻ tiền đến các linh kiện chất lượng cao, sai số thấp, rồi chuyển hẳn sang dùng cuộn cảm không khí, tiếp điểm mạ bạc, sơ đồ point to point rồi connector WBT v.v… tất cả đều mong muốn loại bỏ EQ ra khỏi hệ thống. Và không dừng lại, các hệ thống audio dùng bi-amp, tri-amp ngày càng thịnh hành để không bao giờ phải nhìn thấy mấy cái EQ đáng ghét kia.

Một biến thể nữa của EQ là trong các thiết bị amply đa kênh xem phim. Nó vẫn hỗ trợ việc tăng giảm bass tép, ngoài ra cho phép chỉnh time delay của từng loa, chỉnh tần số cắt bass của loa trầm. Tuy quan trọng vậy nhưng nó vẫn bị giới hi-end audio dè bỉu, thà không có còn hơn…v.v…

EQ đã chết? Hay nó chỉ còn thích hợp cho những phòng thu, nơi có những đôi tai vàng đang phối âm cho những audiophile thưởng thức.

Một thực tế thời này là, tất cả các linh kiện điện tử dù cao cấp đến đâu cũng có tạp âm của riêng nó, nói cách khác nó không trong suốt với tín hiệu âm thanh.

Các nhà sản xuất audio dường như chuyển từ việc sản xuất ra thiết bị có âm thanh trung thực nhất thành sản xuất các thiết bị có âm thanh quyến rũ nhất, theo bản sắc riêng của từng hãng, theo từng đôi tai vàng mà các hãng có được.

Tiếp đến, thay vì chỉnh bass tép trên EQ nay ta sử dụng từ chuyên nghiệp hơn là “phối ghép” dù rằng nhiều khi nó cũng chỉ để làm cái việc mà EQ đã làm nhưng ở mức đắt tiền hơn với công cụ tối tân hơn là thay amp, thay loa, thay đầu, thay dây...v.v…

EQ và tương lai

Phải nói rằng sự phát triển của công nghệ làm thay đổi mọi mặt của đời sống, và trong xã hội bảo thủ nhất, xã hội: “nghe thấy hay là được” nó cũng lật nhào hết thảy.

Nếu chỉ cần có 24 hình/giây mắt người đã không thể phân biệt được nó là rời rạc hay liên tục, thì với cái tai chuyên nghiệp nếu tôi bắm nhỏ âm thanh rời rạc lên đến 192 nghìn điểm/ giây thì tai có phân biệt nổi không? Đấy là chưa kể nếu băm lên hàng chục triệu lần thì tai nào phân biệt nổi. Vậy là số hóa ra đời.

Một thực tế đã tồn tại là tất cả các thí nghiệm về thiết bị audio đều được dựa trên giải định về phòng âm tiêu chuẩn. Vậy nên nó chẳng bao giờ đúng với căn phòng chúng ta đang ở, trừ phi chúng ta có 1 phòng âm như phòng test của hãng. Điều đó gần như không thể đối với đa số người yêu âm thanh.

Equalizer có cần hay không?

Cái thực tế khách quan ấy, tưởng chừng như bị che dấu bởi các lý thuyết với về phòng nghe về tản âm, hút âm, với linh tinh bà rằn gì chăng nữa, vẫn tồn tại rất hiển nhiên trong dân audio: Đối với mỗi phòng nghe khác nhau, ta đều có tần số cộng hưởng âm khác nhau, những âm thanh trực tiếp hay phản xạ từ nguồn phát đến tai người trong mỗi phòng khác nhau thì cũng khác nhau nốt. Những ảnh hưởng đấy tác động nhiều nhất ở dải trầm nơi mà phòng ốc luôn là vấn đề bức xúc. Một đôi loa dù gấu đến mức nào đi nữa, cân bằng toàn giải đi chăng nữa thì khi vào phòng của chúng ta nó cũng có vấn đề.

Nếu thử đo ở các phòng bình thường chúng ta hay nghe nhạc, bạn sẽ thấy mỗi phòng đều có 1 tần số cộng hưởng khác nhau, tần số cộng hưởng đấy luôn làm mờ đi những âm thanh ở tần số xung quanh làm cho hệ thống mình trở nên thiếu cân bằng.

Đấy là chưa kể, trong chúng ta có mấy người có được những đôi loa có khả năng phát ra những âm trầm dưới 40 Hz.

Vậy thì làm gì còn cái gọi là âm thanh trung thực nữa ?

Vậy thì giải pháp ở đâu?

Hey, EQ cậu lại đây, tại sao lại có thể quên được cậu nhỉ!

Cộng hưởng tần số nào, ta giảm tần số ấy ! Thiếu cân bằng ư ? cái nào thấp thì ta kéo lên cao, cái nào cao thì ta đánh tụt nó xuống !

Và còn nữa, EQ còn có thể giúp vấn đề lệch pha giữa các loa, thằng đến trước thì bảo nó từ từ đã, thằng đến sau thì xua nó chạy nhanh hơn. Nỗi đau đầu của các nhà chế tạo phân tần giữa các loa trở nên đơn giản hơn rất nhiều, nào là lệch pha, nào là lệch công suất, EQ gần như đều có thể làm được.

Nhưng còn về chất lượng âm thanh?

EQ đã trở về với bộ ruột khác hẳn. Thay bằng sử dụng những linh kiện tụ trở. EQ giờ đây chỉ còn là những con chíp số. Tất cả chỉ là thay đổi giữa 0 và 1, linh kiện cao cấp thì có cũng tốt không có thì cũng được vì 0 vẫn cứ là 0 và 1 vẫn là 1.

Việc xử lý những căn phòng trở nên đơn giản hơn, tăng giảm các tần số cũng được tự động hoàn toàn. Các tính năng như room correction, auto time delay trở nên quan trọng và hữu ích hơn bao giờ hết.

Những âm thanh từ cái bộ dàn cũ rích ấy trở nên cân bằng hơn, đầy đủ hơn, chi tiết hơn nhưng lại khác khác lắm. Chẳng lẽ từ trước đến nay đều không chuẩn?

EQ đang tận dụng sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật để vận dụng vào nó, và ở đó việc xử lý 0 với 1 trở nên hết sức linh hoạt chỉ nhằm đưa lại cái đầy đủ nhất, chính xác nhất những gì mà nguồn âm đã ghi lại. Càng ngày công nghệ chíp càng phát triển khả năng xử lý nhanh hơn, tính toán tốt hơn, thời gian được băm nhỏ hơn và đặc biệt những thuật toán xử lý được tốt ưu hơn, thì EQ có tốt hơn không?

Ta đang tìm cái âm thanh tự nhiên nhất hay tìm âm thanh nịnh tai nhất nhỉ? EQ nằm ở vị trí nào trong công cuộc đây?

Tại sao chúng ta dễ dàng chấp nhận nguồn âm là số, nhưng không ít người lại kịch liệt phản đối rằng cách tốt nhất để xử lý, truyền tải và khuyếch đại tín hiệu đấy cũng bằng số nhỉ. Có cổ hủ quá không?

Nếu nói rằng cái nghe là phải xuất phát từ cái hồn, cái mộc mạc ….. chứ không thể diễn tả bằng 0 với 1 được. Vậy tại sao cái nhìn ta lại dễ dàng chấp nhận cái 0 và 1 đến thế, dễ dàng chấp nhận những kỹ xảo phim số vừa vỗ tay nồng nhiệt, nhưng lại phản ứng với cái nghe, hay do cái tai đã bị cái mũ ni che lâu lắm rồi?

Khi thế giới bỏ bóng đèn để chạy theo bán dẫn thì chúng ta cho cái đèn ra bãi rác. Còn khi họ tìm thấy hướng mới từ khoa học công nghệ thì chúng ta ra bãi rác bới đèn…Thở dài ! nói linh tinh quá không nhỉ?

Cái khuyếch đại số có thể còn đắt nhưng cái EQ số thì có xa xôi gì đâu?

 

Koda VIỆT NAM

Koda Hà Nội
Hà Nội: Số 11BT4-3, KĐT Trung Văn VINACONEX 3, Đường Trung Thư, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội
Koda Hồ Chí Minh
HCM: Số 449/23/10 Trường Chinh, P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM
Koda Đà Nẵng
Đà Nẵng: Số 190 LÊ ĐÌNH LÝ, Q.HẢI CHÂU, TP.ĐÀ NẴNG
 Email: Kodaav@gmail.com